Trong kiến trúc Vàng quỳ

Bên trong Basilica di Santa Maria Maggiore.

Vàng quỳ từ lâu đã trở thành một thành phần không thể thiếu của kiến trúc để chọn lựa cho các cấu trúc quan trọng, cả về tính thẩm mỹ và vì bản chất trơ của vàng tạo ra một lớp hoàn thiện bảo vệ.

Vàng trong kiến trúc đã trở thành một thành phần thiết yếu của các nhà thờ và vương cung thánh đường Byzantin và La Mã vào năm 400, đáng chú ý nhất là Basilica di Santa Maria Maggiore ở Roma. Nhà thờ này được Giáo hoàng Sixtus III cho xây dựng và là một trong những ví dụ sớm nhất về khảm vàng. Các bức khảm được làm bằng đá, ngói hoặc kính được ốp trên các bức tường bằng vàng quỳ, tạo cho nhà thờ này một phông nền tinh xảo đẹp mắt. Các cột đá cẩm thạch Athen chống đỡ gian giữa thậm chí còn cổ hơn, và có lẽ lấy từ vương cung thánh đường thờ đầu tiên, hoặc từ một công trình xây dựng La Mã cổ đại khác; trong đó 36 cột là đá cẩm thạch và 4 cột là đá granit, được kiến trúc sư Ferdinando Fuga (1699-1782) cho xén tỉa nhỏ lại hoặc cắt ngắn để làm cho chúng giống hệt nhau và gắn cho chúng các đầu cột bằng đồng mạ vàng giống hệt nhau.[17] Campanile hay tháp chuông thế kỷ 14, cao nhất ở Roma, với độ cao 75 m (240 ft). Trần nhà kiểu ô cờ có từ đầu thế kỷ 16 của vương cung thánh đường này, được thiết kế bởi Giuliano da Sangallo (1445-1516), được cho là được thếp vàng mà Christopher Columbus (1451-1506) đã tặng cho Ferdinand và Isabella, trước khi được truyền lại cho Giáo hoàng người Tây Ban Nha là Alexander VI.[18] Bức khảm ở hậu cung, Lễ Đăng quang của Đức Bà, có từ năm 1295 và được giáo sĩ dòng Phanxicô kiêm họa sĩ và thợ khảm là Jacopo Torriti ký tên.

Các ô cờ trang trí bằng thếp vàng và sơn trên vòm phòng Thượng viện Canada ở Khối Trung tâm.
Các trang trí kiến trúc thếp vàng khác nhau trong Cung điện Versailles

Tại Ottawa, Ontario, Khối Trung tâm là tòa nhà chính của tổ hợp nghị viện Canada trên đồi Nghị viện (Parliament Hill), bao gồm các phòng cho Hạ nghị viên và Thượng nghị viện, cũng như văn phòng của một số thành viên Nghị viện, thượng nghị sĩ và các công chức quản lý cấp cao của cả hai viện. Đây cũng là vị trí của một số không gian nghi lễ, chẳng hạn như Đại sảnh Vinh dự, Sảnh Tưởng niệm và Đại sảnh Liên bang. Ở cánh phía đông của Khối Trung tâm là phòng Thượng viện, trong đó đặt ngai vàng dành cho quân chủ Canada và phu nhân/phu quân của quân chủ, hoặc cho toàn quyền liên bang và phu nhân/phu quân của toàn quyền, và từ đó quân chủ hoặc toàn quyền có bài phát biểu từ ngai vàng và trao Chuẩn y của Hoàng gia đối với các dự luật được quốc hội thông qua.[19]Màu tổng thể trong phòng Thượng viện là màu đỏ, được nhìn thấy ở vải bọc, thảm và rèm, và phản ánh cách phối màu của Thượng viện Anh ở Vương quốc Anh; màu đỏ là màu hoàng gia, gắn liền với Vương miện và chế độ thế tập quý tộc. Bao trùm căn phòng là trần thếp vàng với các ô bàn cờ hình bát giác chìm sâu, mỗi ô đều có các biểu tượng huy hiệu, bao gồm lá phong, fleur-de-lis (hoa li), sư tử chồm lên, clàrsach, rồng Wales và sư tử đi ngang. Mặt phẳng này nằm trên 6 đôi trụ bổ tường và 4 trụ bổ tường đơn lẻ, mỗi trụ có đầu cột là một trụ khắc tượng phụ nữ (caryatid) và giữa chúng là các cửa sổ trời lấy sáng. Bên dưới các cửa sổ trời là dầm đầu cột liên tục, chỉ bị gián đoạn tại các mái hiên trang trí ở phần đáy của mỗi trụ bổ tường nói trên.

Trên các bức tường phía đông và phía tây của căn phòng là 8 bích họa mô tả các cảnh trong Thế chiến I; được vẽ từ năm 1916 đến năm 1920, chúng ban đầu là một phần của trên hơn 1.000 tác phẩm của Quỹ Tưởng niệm Chiến tranh Canada, do Tôn ông Beaverbrook thành lập, và được dự định treo tại một công trình tưởng niệm cụ thể. Tuy nhiên, dự án này đã không hoàn thành và các tác phẩm được lưu giữ tại Phòng trưng bày Quốc gia Canada cho đến năm 1921, khi Nghị viện đề nghị cho mượn một số bức tranh sơn dầu của bộ sưu tập để trưng bày tại Khối Trung tâm.[20][21] Các bích họa này vẫn ở lại trong phòng Thượng viện kể từ đó.

Ở London, khách sạn Criterion là một tòa nhà sang trọng đối diện với giao lộ Piccadilly ở trung tâm London. Nó được kiến trúc sư Thomas Verity (1837-1891) thiết kế và chỉ đạo xây dựng theo phong cách Tân Byzantin cho công ty hợp danh SpiersPond, mở cửa ngày 17 tháng 11 năm 1873. Một trong những đặc điểm nổi tiếng nhất của khách sạn này là trần khảm vàng 'lấp lánh', được che phủ ở hai bên và trang trí hoa văn khắp nơi bằng các đường và các mẫu trang trí bằng vật khảm màu xanh lam và trắng. Trang trí tường rất phù hợp với trần nhà bằng thếp vàng quỳ, kết hợp các loại đá bán quý như ngọc phỉ thúy, xà cừ, ngọc lam được lót bằng cẩm thạch ấm áp và tạo thành các chuỗi cuốn giả với vòm bán elip tựa trên các cột hình bát giác mảnh mai, các đầu cột không đúc khuôn và chân cuốn được nạm bằng khảm nền vàng.[22]

Vàng quỳ tô điểm cho những cánh cổng sắt rèn bao quanh Cung điện Versailles ở Pháp, khi hoàn thiện lại những cánh cổng gần 200 năm sau khi chúng bị kéo đổ trong cuộc Cách mạng Pháp, người ta phải cần tới hàng trăm kg vàng quỳ để hoàn thành quy trình này.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vàng quỳ http://www.collineduparlement-parliamenthill.gc.ca... http://www.parl.gc.ca/information/about/warpaintin... http://www.parl.gc.ca/information/about/warpaintin... http://www.jianbiaoku.com/webarbs/book/69802/13713... http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Perse... http://www.city.kanazawa.ishikawa.jp/dentou_e/way/... //dx.doi.org/10.1590%2FS1517-70762011000100002 http://www.kieuky.org/gioi-thieu.html http://www.kieuky.org/quy-tr%C3%ACnh-gia-c%C3%B4ng... http://www.british-history.ac.uk/survey-london/vol...